Đòi nợ chưa bao giờ là việc dễ dàng. So với đòi nợ cá nhân, đòi nợ công ty lại càng khó hơn. Người ta vẫn nói câu cửa miệng: quan trọng trọng là phải có tiền. Con nợ có tiền mà không đòi được, thì chủ nợ chỉ có thể tự trách mình. Để có cách đòi nợ doanh nghiệp hiệu quả, Công ty CP Thu nợ Minh Tín hướng dẫn các chủ nợ cần biết những nội dung quan trọng dưới đây:
1. Các nguyên tắc chung để đòi nợ doanh nghiệp
1.1. Xác định tính pháp lý của hồ sơ công nợ:
- Đừng đi đòi nợ nếu bạn không có quyền đòi nợ.
Tại sao lại không có quyền đòi nợ? Có rất nhiều yếu tố làm bạn mất, hoặc chưa có quyền đòi nợ, ví dụ như:
– Mất hồ sơ công nợ gốc: có vẻ vô lý, nhưng đó là sự thật. Nhiều doanh nghiệp, thậm chí các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn, có uy tín vẫn có thể xảy ra tình trạng này. Bạn không thể đòi nợ, nếu không có tài liệu, chứng cứ gốc. Cầm bản phô tô đi đòi nợ chỉ có trong “truyền thuyết”, may hơn khôn. Nếu con nợ yêu cầu xuất trình văn bản gốc, bạn không có, coi như người ta không nợ. Đừng có đòi cho mất công, lại bị “đòn”.
>> Xem thêm: 7 cách đòi nợ không giấy tờ hiệu quả: có thể bạn chưa biết
– Không có hợp đồng, hóa đơn, biên bản bàn giao hàng hóa, biên bản nghiệm thu, quyết toán: Có nhiều khách hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ rất lạ lùng. Lòng tin mù quáng đã khiến họ quên đi tất cả những nguyên tắc quản trị rủi ro căn bản. Công ty CP Thu nợ Minh Tín đã nhận được nhiều hồ sơ đòi nợ giá trị nhiều tỷ đồng. Tuyệt nhiên hồ sơ không có hợp đồng, biên bản giao nhận hàng hóa, hóa đơn… Hoặc có hợp đồng nhưng không có văn bản nào khác thể hiện họ đã thực hiện hợp đồng để phát sinh quyền đòi nợ.
Có công ty thiết kế, lắp đặt nội thất (là thầu phụ) sau khi đã lắp đặt xong toàn bộ hệ thống cửa, nội thất trị giá vài tỷ động tại Khu đô thị. Tổng thầu bàn giao căn hộ đã 5 năm. Vậy mà không hề có biên bản nghiệm thu, quyết toán theo quy định hợp đồng. Thiệt hại của công ty nội thất này đã quá rõ ràng. Nhưng họ vẫn chưa có quyền đòi nợ.
Hoàn thiện hồ sơ công nợ là điều kiện tiên quyết để có cách đòi nợ doanh nghiệp hiệu quả
– Chưa đến hạn trả nợ: Chủ nợ chỉ có quyền đòi nợ đối với các khoản nợ đến hạn. Mọi người nhiều khi chỉ làm việc theo thói quen. Có nợ là đi đòi. Thậm chí không để ý khoản nợ đó đã đến hạn thanh toán hay chưa. Có người sẽ hỏi: làm gì có chuyện vô lý thế. Điều cơ bản thế cũng không biết.
Thực tế là, đối với các khoản cho vay, cho mượn không nêu rõ thời hạn trả nợ, hoặc thời hạn trả nợ được xác định bằng hành vi nhất định như báo trước 10 ngày khi cần lấy lại tiền. Họ chẳng có văn bản nào thể hiện đã báo trước, yêu cầu người vay trả nợ. Họ sẽ không có quyền đòi nợ.
- Hồ sơ pháp lý yếu: Có muôn vàn lý do thể hiện một hồ sơ công nợ bất lợi cho chủ nợ. Thiếu tài liệu, chứng cứ là điều kiện thanh toán, giao hàng không đúng chủng loại, thi công xây dựng không đúng thiết kế; người ký giấy tờ không có thẩm quyền, không được ủy quyền; hết thời hiệu khởi kiện…
Điều bạn cần làm là phải xác định được tất cả các yếu tố rủi ro pháp lý đang tồn tại, cần khắc phục hết mức có thể trước khi dáo diết đi đòi nợ.
Đòi nợ mà không biết được điểm yếu của mình, bạn sẽ thua. Thua là mất tiền. Hãy hoàn thiện hồ sơ pháp lý trước khi quá muộn. Khi hai bên căng thẳng, con nợ không hợp tác, bạn sẽ không còn cơ hội làm điều này nữa. Họ không kỳ tá bất kỳ giấy tờ nào. Đó là kinh nghiệm xương máu khi đòi nợ.
Chúng ta có thể phân loại tính pháp lý hồ sơ công nợ thành 02 loại để có hướng xử lý nợ cho phù hợp, cụ thể:
Hồ sơ có giá trị pháp lý hoàn thiện
Hồ sơ có tính pháp lý chưa hoàn thiện; có thể phân chia tiếp loại này thành hồ sơ: Có thể khắc phục/Không thể khắc phục
1.2. Tình hình tài chính của con nợ:
Có 2 điều nhắn nhủ với bạn. 1 – Chỉ đòi con nợ có tiền. 2 – Không đi đòi con nợ không có tiền.
Con nợ đang hoạt động kinh doanh cũng không phải lúc nào cũng có tiền. Thật buồn nếu lúc bạn đi đòi, con nợ lại không có tiền. Lúc có tiền, bạn lại không đi đòi. Hay là doanh nghiệp có tiền thì bạn không đi đòi. Doanh nghiệp phá sản, nợ đầm đìa thì bạn cứ đòi ngày đòi đêm. Thế là thất bại.
Vậy nên, nắm rõ tình hình tài chính của con nợ là điều cốt tử của hoạt động đòi nợ.
2. Các cách đòi nợ doanh nghiệp
- Gửi văn bản yêu cầu trả nợ:
Văn bản yêu cầu trả nợ có thể soạn thảo, viết dưới các hình thức như: mail đòi nợ, Thư yêu cầu trả nợ, thư nhắc nợ, công văn yêu cầu trả nợ… Văn bản yêu cầu trả nợ cần nêu rõ căn cứ đòi nợ, giá trị công nợ, thời hạn trả nợ. Văn bản yêu cầu trả nợ nên được gửi bằng đường bưu điện để lưu lại chứng từ chuyển phát thư. Trường hợp gửi trực tiếp, cần có ký nhận của con nợ. Bạn cũng nên fax, scan văn bản yêu cầu trả nợ để gửi qua email khách hàng, để họ có thể nhận, nắm bắt ngay nội dung văn bản và nhanh chóng có ý kiến phản hồi, cũng như đưa ra kế hoạch trả nợ phù hợp.
- Gọi điện đòi nợ khách hàng:
Bạn cần thường xuyên liên hệ với khách hàng trước và sau khi khoản nợ đến hạn. Liên lạc bằng điện thoại là một trong các phương thức kết nối nhanh chóng, hiệu quả, ít tốn kém nhất.
Bạn chỉ cần cầm điện thoại và gọi cho khách hàng yêu cầu thanh toán một khoản nợ. Tiếp nhận thông tin phản hồi, kế hoạch, thời gian trả nợ…
Dĩ nhiên, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin, tài liệu, nắm bắt đầy đủ nội dung khoản nợ để không bị khách hàng “bắt bẻ”, từ chối trả nợ.
Giọng nói, âm điệu cũng phải thể hiện sự “chuyên nghiệp”, tránh nói ngọng, nói lắp, nói hụt hơi ở những câu cuối… Tốt nhất là sử dụng giọng trầm, nói từ tốn, rõ ràng. Sử dụng những quãng nghỉ đúng lúc để gây áp lực buộc con nợ phải trao đổi giải quyết công việc.
Cuối cuộc gọi, bạn cần “chốt” được các vấn đề đã trao đổi và đạt được, ngay cả bằng việc gửi tin nhắn, email để hai bên xác nhận các nội dung trao đổi, thống nhất; tránh để con nợ quên, nhớ lâu nhớ mới, hiểu lầm về nội dung đã đồng ý trước đó.
>> Xem thêm: Nghệ thuật đòi nợ qua điện thoại từ các chuyên gia hàng đầu
- Đàm phán thu hồi nợ
Đàm phán, thương lượng luôn là cách đòi nợ khách hàng doanh nghiệp tối ưu nhất khi đòi nợ. Phương pháp thu hồi nợ này áp dụng đối với các khách hàng có thiện chí hợp tác giải quyết công nợ.
Kinh nghiệm thu nợ khách hàng cho thấy, đàm phán hiệu quả sẽ giúp mau chóng thu hồi được khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp, tránh xung đột, ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, mối quan hệ làm ăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích của chủ nợ.
Khi việc đàm phán không hiệu quả, các chủ nợ mới cân nhắc đến các biện pháp gây sức ép, khởi kiện, tố cáo để đòi nợ. Do tầm quan trọng và khối lượng kiến thức lớn, Công ty CP Thu nợ Minh Tín sẽ cung cấp tới bạn đọc thông tin đầy đủ, chi tiết hơn về nghệ thuật, kỹ năng đàm phán thu hồi nợ trong bài viết khác.
- Các biện pháp gây sức ép đòi nợ
Gây sức ép đòi nợ được áp dụng cho các trường hợp như:
+ Con nợ không tự nguyện trả nợ
+ Con nợ chây ỳ, hứa hẹn nhiều lần nhưng không trả nợ
+ Đàm phán, thương lượng không thành công
+ Đã áp dụng các biện pháp đòi nợ khác nhưng không hiệu quả
Các biện pháp gây sức ép có thể kể đến như sử dụng phương tiện báo chí truyền thông, mạng xã hội, tụ tập đông người gây sức ép, căng băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở công ty con nợ…
Các biện pháp gây sức ép đòi nợ không mới, nhưng luôn đem lại hiệu quả khá rõ rệt. Tuy nhiên, việc áp dụng cũng cần phải tuân thủ pháp luật, tránh gây rối trật tự công cộng, vu khống, đe dọa, bắt giữ con nợ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự.
- Khởi kiện, tố cáo đòi nợ:
Biện pháp khởi kiện vụ án dân sự, kinh tế được coi là sự lựa chọn cuối cùng của các chủ nợ. Khi các cách đòi nợ công ty khác không hiệu quả, con nợ có tiền, tài sản nhưng không chịu trả nợ, chủ nợ nên tiến hành thủ tục khởi kiện đòi nợ.
Chủ nợ cần gửi đơn khởi kiện, và các tài liệu chứng cứ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền; tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí và tham gia quá trình giải quyết vụ án. Vụ án có thể được giải quyết qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm cho đến khi ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị cưỡng chế bắt buộc thi hành. Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, chủ nợ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc con nợ phải trả nợ; kể cả việc cưỡng chế, kê biên, phát mại tài sản để thu hồi nợ.
Biện pháp tố cáo được áp dụng khi con nợ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự chiếm đoạt tài sản của chủ nợ.
Các tội danh con nợ có thể mắc phải như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Đơn tố cáo được gửi đến cơ quan Công an để điều tra, xác minh theo quy định. Nếu hành vi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm làm rõ, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng hình phạt, buộc người phạm tội hoàn trả tiền, tài sản đã chiếm đoạt của chủ nợ.
- Yêu cầu mở thủ tục phá sản để đòi nợ:
Làm thế nào để đòi nợ doanh nghiệp phá sản, giải thể ? Có thể nói rằng, đòi nợ công ty phá sản, giải thể là một trong những trường hợp thu hồi nợ khó đòi nhất. Theo đó, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Việc xử lý tài sản của doanh nghiệp sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, tuyên bố phá sản sẽ theo quy định của Luật Phá sản năm 2014. Cách đòi nợ doanh nghiệp này ít được áp dụng và chưa hiệu quả do thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài. Thực tế các vụ án phá sản doanh nghiệp gần như chưa được Tòa án giải quyết trong nhiều năm qua.
Với các cách đòi nợ khách hàng doanh nghiệp nêu trên, các chủ nợ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để đòi nợ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đòi nợ phải biết người biết ta, và thêm chút may mắn nữa, bạn sẽ thành công.
3. Những vấn đề cần lưu ý khi thu hồi nợ doanh nghiệp
- Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi toàn bộ giá trị tài sản của nó. Nó độc lập về tài sản đối với các chủ sở hữu doanh nghiệp. Các chủ nợ có quyền đòi nợ công ty. Nhưng họ không có quyền yêu cầu người chủ sở hữu doanh nghiệp trả nợ thay. Ngoại trừ các trường hợp doanh nghiệp là công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp được chủ sở hữu bảo lãnh trả nợ thay.
- Doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức, hoạt động khá phức tạp. Chủ nợ cần xác định đúng và làm việc với những người có thẩm quyền của con nợ để thu hồi công nợ hiệu quả.
- Trước khi đòi nợ, chủ nợ nên kiểm tra, nắm bắt các thông tin doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ và Thông tin đăng ký, kê khai thuế tại website: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal/home/hct.
- Nếu bạn băn khoăn về việc thu hồi nợ khó đòi của doanh nghiệp, có thể tham khảo dịch vụ đòi nợ, tư vấn xử lý nợ của các công ty đòi nợ thuê, công ty luật.
Bình luận